- 22 Tháng Bảy, 2019
- 17,754
- Bởi Admin
Công Nghệ In Chuyển Nhiệt | Hướng Dẫn Kỹ Thuật A-Z | Đồng Phục BICI
Bài viết "Công Nghệ In Chuyển Nhiệt | Hướng Dẫn Kỹ Thuật A-Z | Đồng Phục BICI" sẽ có 15 nội dung chính như mô tả trong phần Mục lục, được chúng tôi trình bày chi tiết bên dưới đây:
>>> Liên hệ ngay với Đồng Phục BiCi - Công ty in áo thun số 1 Đà Nẵng
Chúng ta sẽ lần lượt đi vào các phần nội dung chi tiết:
1. In Chuyển Nhiệt Là Gì?
In chuyển nhiệt là một công nghệ in dựa trên nền tảng nhiệt độ và áp suất để chuyển tiếp nội dung cần in ấn. Công nghệ in chuyển nhiệt sử dụng các vật liệu đặc dụng trong ngành như mực in chuyển nhiệt hay giấy in chuyển nhiệt; thông qua máy ép chuyển nhiệt để đưa các họa tiết cần in từ giấy in chuyển nhiệt sang sản phẩm hoặc vật liệu khác (như vải, ly sứ, gạch men, nhựa...).
Kỹ thuật in chuyển nhiệt ứng dụng phổ biến trong ngành in để sản xuất nhiều sản phẩm thuộc các lĩnh vực như thời trang, mỹ thuật, thiết kế nội thất... Trong đó, điển hình là các dịch vụ in quà tặng và in áo thun theo yêu cầu.
Nếu chỉ hiểu theo nghĩa hẹp mà một số đơn vị nhỏ hay dùng để phân biệt với in lụa truyền thống, thì in chuyển nhiệt đơn thuần là việc in nội dung ra giấy bằng máy in kỹ thuật số và dùng máy ép nhiệt chuyển tiếp nội dung vào sản phẩm.
Tuy vậy nếu hiểu một cách đầy đủ hơn, in chuyển nhiệt là sự kết hợp giữa các kỹ thuật in khác như in lụa hoặc in kỹ thuật số với lực ép và nhiệt độ cao (từ máy ép nhiệt) . Sự kết hợp này như thế nào? Chúng ta cần phân biệt 03 trường hợp: in lụa chuyển nhiệt, in kỹ thuật số chuyển nhiệt và ép chuyển nhiệt giấy decal.
Liên quan đến kỹ thuật in lụa chuyển nhiệt, chúng ta sẽ không đi sâu ở bài viết này mà sẽ tìm hiểu cụ thể hơn ở bài viết về kỹ thuật in lụa. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta tìm hiểu cụ thể nhất phần in kỹ thuật số chuyển nhiệt (hay gọi theo nghĩa hẹp là in chuyển nhiệt, như đã đề cập ở trên) và ép chuyển nhiệt giấy decal lên áo ở phần 14 và phần 15.
Ưu nhược điểm của in chuyển nhiệt:
Công nghệ in truyền nhiệt có rất nhiều những ưu điểm so với các công nghệ in khác. Vì vậy chúng đang là một trong những công nghệ in được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Ưu điểm:
- Nhờ tính năng dễ sử dụng mà công nghệ này ngày càng được áp dụng rộng rãi, trong đó chúng được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực in vải, in áo thun, in tranh kính, in cốc,…
- Chi phí đầu tư thấp, giá thành nguyên vật liệu đầu vào không quá cao
- Quá trình thực hiện đơn giản, không hề phức tạp
- Số lượng nhân công vận hành thấp
- Khâu chuẩn bị không quá cầu kỳ
- Chất lượng in tốt, hình ảnh sản phẩm sắc nét, bền màu.
Nhược điểm
- Một số điểm hạn chế của công nghệ in nhiệt có thể kể đến như:
- Nguyên liệu sử dụng bị giới hạn, chỉ áp dụng đối với những sản phẩm thông thường.
- Một số máy in nhiệt chỉ phù hợp với mô hình in nhỏ lẻ
- Tính tự động hóa chưa thực sự phát huy hết ưu điểm
- Ứng dụng phổ biến nhất của in truyền nhiệt là in áo, nhưng không phải chất liệu nào cũng bám dính tốt.
>>> Đừng bỏ lỡ: Địa chỉ in cờ lưu niệm tại Đà Nẵng giá rẻ, chất lượng
2. Cần Chuẩn Bị Gì Khi Muốn In Chuyển Nhiệt
Để in chuyển nhiệt (theo nghĩa hẹp) chúng ta cần đến những dụng cụ và nguyên vật liệu cụ thể như sau:
#1: Máy in chuyển nhiệt: Máy in chuyển nhiệt là một loại máy in kỹ thuật số, đa màu, có sử dụng mực in chuyển nhiệt. Thực tế nó không khác gì những máy in kỹ thuật số thông thường, chỉ khác về mực dùng cho máy và độ phù hợp của dòng máy với công nghệ in này. Chi tiết về các dòng máy in chuyển nhiệt sẽ được đề cập ở phần 6 của bài viết này.
#2: Mực in chuyển nhiệt: Là dòng mực đặc dụng dùng trong công nghệ in chuyển nhiệt. Đây là dòng mực chỉ bền màu khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Cần phân biệt mực in chuyển nhiệt với các dòng mực nước, mực dầu khác để tránh nhầm lẫn trong quá trình sử dụng. Phần 7 của bài viết này sẽ đề cập chi tiết đến loại mực này.
#3: Giấy in chuyển nhiệt: Giấy in chuyển nhiệt hay được biết đến với tên gọi "giấy thuốc", là một loại giấy đặc dụng dùng trong ngành in, cụ thể đối với công nghệ in chuyển nhiệt. Giấy thuốc (giấy in chuyển nhiệt) được phủ một lớp keo (thuốc) giúp giữ tạm phần nội dung in trên giấy và chuyển toàn bộ nội dung này sang sản phẩm, vật liệu khi ta sử dụng máy ép chuyển nhiệt. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong phần 8 của bài viết này.
#4: Máy ép nhiệt: Máy ép nhiệt là một công cụ sử dụng hai nền tảng: lực ép và nhiệt độ; giúp hai vật thể có thể kết dính vào nhau dưới tác dụng của nó. Máy ép nhiệt có nhiều loại khác nhau tùy vào công năng của nó; trong đó, phổ biến là máy ép ly, máy ép mũ, máy ép dĩa và máy ép áo. Chúng ta sẽ đi sâu hơn trong phần 9 của bài viết này.
#5: Phôi in chuyển nhiệt: Phôi in chuyển nhiệt là một trong những sản phẩm hoặc vật liệu mà chúng ta muốn in nội dung lên đó. Về phần phôi in, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu hơn phần chất liệu vải dùng trong in chuyển nhiệt ở phần 11. Ngoài ra, chúng ta không đi sâu phân tích các dòng sản phẩm khác, mà kỹ thuật thực tế cũng được áp dụng một cách tương tự.
#6: Thiết bị bảo hộ: Vì quá trình in ép chuyển nhiệt thường xuyên phải tiếp xúc với máy ép ở nhiệt độ cao, để hoạt động sản xuất không gặp phải bất kỳ rủi ro nào, một đôi kính mát, khẩu trang và găng tay là khá cần thiết.
3. Quy Trình Kỹ Thuật In Chuyển Nhiệt
- Bước 1: Thiết kế file in chuyển nhiệt
- Bước 2: In file
- Bước 3: Chuẩn bị phôi
- Bước 4: Cài đặt nhiệt độ và thời gian
- Bước 5: Chờ nhiệt độ ổn định
- Bước 6: Ép chuyển nhiệt
- Bước 7: Kiểm tra và hoàn thiện sản phẩm
4. Kỹ Thuật In Chuyển Nhiệt Trên Vải
Kỹ thuật in chuyển nhiệt trên vải được dùng khá phổ biến trên thị trường in áo đồng phục hiện nay. In áo thun chuyển nhiệt (theo nghĩa hẹp) thực tế áp dụng công nghệ in kỹ thuật số, điều này giúp dễ dàng khắc phục được một số nhược điểm lớn mà ngành in lụa thường hay gặp phải như: in hình 3D, khả năng chống bong tróc.
Tùy theo mục đích sử dụng, dựa trên yêu cầu của khách hàng mà in áo đồng phục bằng công nghệ in chuyển nhiệt khác nhau về kích thước, từ khổ dưới A4 cho đến những khổ lớn như A1.
Chúng ta có thể in ấn bất kỳ thông tin gì, hình ảnh gì lên áo với kỹ thuật in này. Vì suy cho cùng, cách in này có nội dung in không khác gì khi ta in giấy. Nó rất thích hợp để các bạn có thể in áo fan, in hình ca sĩ, diễn viên hay cầu thủ bóng đá...
Áo one piece gồm các nhân vật hoạt hình dễ thương hay áo game thủ với các nhân vật game ấn tượng cũng chủ yếu sử dụng kỹ thuật in này để cho kết quả hoàn hảo nhất.
>>> CÙNG KHÁM PHÁ: Bảng màu 3D dùng trong in áo thun chuyển nhiệt
5. In Ly Sứ Bằng Công Nghệ In Chuyển Nhiệt
In ly sứ bằng công nghệ in chuyển nhiệt giúp chúng ta dễ dàng tiếp nhận các đơn hàng của khách theo yêu cầu. Cũng không khác gì nhiều so với in áo ở trên, in ly chuyển nhiệt cũng cho phép chúng ta thực hiện các nội dung in 3D đẹp mắt nhất.
Điều đáng phải lưu ý: Các bạn phải tìm hiểu được phôi ly in chuyển nhiệt. Vì đây là loại phôi chuyên dụng, không phải bất kỳ ly sứ nào ngoài thị trường đều có thể in chuyển nhiệt.
6. Các Dòng Máy In Chuyển Nhiệt
Epson được biết đến là một trong những thương hiệu mạnh về máy in kỹ thuật số. Trong đó có nhiều dòng máy in từ khổ A4 đến những khổ lớn hơn cả A0.
Trong in áo và in quà tặng, chúng ta thường sử dụng các dòng máy in epson ở khổ không quá A1. Dưới đây là một số máy có thể dùng tốt trong in chuyển nhiệt mà cơ sở may đồng phục Đà Nẵng - BICI khuyên bạn nên sử dụng:
Máy in Epson L310: Loại máy khổ A4, 4 hộp mực cơ bản. Đây là dòng máy hoạt động khá ổn định với chỉ 04 màu sắc cơ bản. Máy cho hình in chuẩn; không quá sắc sảo so với các dòng máy khác cùng hãng, tuy nhiên, L310 đạt độ ổn định, chi phí thấp và tiết kiệm không gian.
Máy in Epson T50, T60: Hai dòng máy in epson này được dùng khá phổ biến trên thị trường hiện nay. Các dòng máy này dùng 6 hộp mực với 6 màu nên cho màu sắc sắc sảo. T50 và T60 sử dụng khổ giấy A4, dùng 6 màu mực khác nhau bao gồm: 1 Vàng, 1 Đen, 2 Đỏ, 2 Xanh. Loại máy này hoạt động tương đối ổn định. Tuy vậy, nếu so sánh với dòng L310, T50 và T60 có phần không ổn định bằng khi hay gặp những lỗi cơ bản về màu, phải reset lại nhiều hơn.
Máy in Epson 1390 và Máy in Epson L1800: Dùng khổ giấy A3 với 6 hộp màu. Thực tế sử dụng tại công ty BICI cho thấy, máy in L1800 có độ ổn định cao hơn dòng máy 1390. Tuy vậy, Epson 1390 cho màu sắc sáng hơn, mượt hơn đôi chút.
Máy in epson Stylus Pro 9890, Epson Stylus Pro 7880: Các dòng máy in khổ lớn. Cho phép in khổ A1, phù hợp để in áo 3D toàn thân. Với các xưởng in công suất nhcác máy in kỹ thuật số khác, khi sử dụng với mục đích in chuyển nhiệt, chúng ta sử dụng các dòng mực in chuyển nhiệt cho máy để có thể ép nỏ, các bạn nên cân nhắc kỹ khi sử dụng các dòng máy này, bởi chi phí đầu tư tương đối cao.
Không khác gìhiệt đúng với công năng của nó. Như vậy, thực chất của máy in chuyển nhiệt là các dòng máy kỹ thuật số phù hợp với công nghệ in này, sử dụng mực in chuyển nhiệt trong quá trình in ấn.
7. Mực In Chuyển Nhiệt
Cần phải hiểu một số đặc tính khác nhau giữa mực in thông thường và mực in chuyển nhiệt. Hiểu được bản chất của nó, giúp bạn dễ dàng hình dung được bạn cần phải làm gì hơn.
Mực in chuyển nhiệt là loại mực chuyên dụng dùng trong công nghệ in chuyển nhiệt. Mực này không bền màu khi ở nhiệt độ thường, nó chỉ bền màu khi được ép qua nhiệt độ cao. Nhờ đặc tính này, cùng với đặc trưng của giấy in chuyển nhiệt (được mô tả bên dưới - phần 8), nó cho phép các nội dung in được dính tạm thời lên giấy và chuyển những nội dung này qua vật liệu cần in. Phần mực còn lại trên giấy sau khi sử dụng là không đáng kể.
Mực in chuyển nhiệt khi mới in ra thường có màu sẫm hơn mực nước thông thường. Các bạn đừng lo lắng, điều này không có nghĩa là sai màu hoặc máy in cho ra màu xấu. Mà thực tế, các màu sắc được in bằng mực chuyển nhiệt chỉ thực sự sáng màu, bắt mắt khi gặp nhiệt độ cao.
8. Giấy In Chuyển Nhiệt
Giấy in chuyển nhiệt hay còn gọi là giấy thuốc, là loại giấy có phủ lớp keo chịu nhiệt và chống dính (ở đây hiểu là bám giữ lâu dài). Khi in lên giấy này, nếu không dùng để in chuyển nhiệt thì mực in rất dễ bị phai trong điều kiện thông thường.
Nếu các bạn vô tình nhầm lẫn hoặc chưa am hiểu về ngành in, rất có thể bạn sẽ gặp vấn đề khi sử dụng giấy in thông thường. Giấy in thông thường vẫn bắt màu đối với mực in chuyển nhiệt; tuy nhiên, khi ép chuyển lên vật phẩm, mực in không bám vào vật phẩm mà vẫn còn lưu giữ gần như 90% trên giấy.
Giấy thuốc có nhiểu khổ khác nhau, nếu in trên phải sáng màu, các bạn nên sử dụng giấy cắt sẵn khổ A3 và A4. Các dòng máy in khổ lớn sẽ sử dụng loại giấy in chuyển nhiệt dạng cuộn.
Giá giấy in chuyển nhiệt thường cao hơn giấy thông thường đôi chút. Tuy nhiên, giá giấy cũng khá rẻ, chỉ từ khoảng trung bình 500 đồng / tờ.
Thông thường, do 1 mặt được phủ keo, mặt còn lại bình thường, xét cho cùng, giấy in chuyển nhiệt được cấu thành từ hai lớp chất liệu khác nhau nên có có độ giãn nỡ vì nhiệt khác nhau. Do vậy, khi chúng ta bảo quản không đúng cách, giấy in chuyển nhiệt rất dễ bị cong vênh. Điều này dẫn đến 03 lỗi thường gặp nhất:
#1: Dễ bị mắc giấy trong máy in. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình cho ra sản phẩm mà còn ảnh hưởng không tốt đến máy in.
#2: Những chỗ vênh thường bị đầu phun máy in cọ xác nhiều lần dẫn đến nhớp, nhem mực, từ đó lan ra các chi tiết in xung quanh.
#3: Giấy vênh cũng dẫn đến tình trạng chệnh giấy trong quá trình in. Nếu không để ý, thành phẩn in ra sẽ không đẹp như nó đáng phải đẹp.
Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một số lỗi thường gặp ở phần 13 của bài viết này.
9. Máy Ép Nhiệt
Máy ép ly đơn: Là dạng máy nhỏ, hoạt động bằng thao tác gập tay đơn giản, hoàn toàn thủ công. Máy ép ly đơn hoạt động với công suất khoảng 1 sản phẩm trên mỗi 2 phút 30 giây.
Máy ép áo khổ nhỏ: Là dạng máy ép bằng tay, thường áp dụng cho khổ in A4 và A3. Đây là dòng máy được sử dụng phổ biến nhất dùng để in áo trên vải sáng màu.
Máy ép áo khổ lớn: Máy ép khổ lớn thường sử dụng khổ in A1, với kích thước xấp xỉ: 60 cm x 80 cm. Mấy ép khổ lớn thường không ép tay thủ công mà vận hành dựa trên 02 nền tảng công nghệ khác:
#1: Công nghệ nén khí: Công nghệ nén khí được tích hợp dựa vào một máy bơm hơi hoạt động song hành. Máy bơm hơi này cũng phải có công suất tương đối lớn: khoảng trên 8kg/cm2. Máy bơm hơi này được kết nối với 1 piston của máy ép nhiệt thông qua dây dẫn khí.
#2: Công nghệ nén thủy lực: Máy ép nhiệt dùng công nghệ én thủy lực có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, trong đó, máy không phải tích hợp thêm máy bơm hơi như công nghệ nén khí. Ngoài ra, máy ép nhiệt thủy lực còn có lực nén đều hơn.
Thực tế chứng minh công suất hoạt động của máy ép nhiệt thủy lực cao gần như gấp rưỡi máy ép nhiệt hơi. Không những vậy, máy ép nhiệt thủy lực khi vận hành, mâm nhiệt phía trên nén chậm rãi xuống mâm dưới, giúp cho giấy in được cố định vị trí, không xảy ra lỗi. Trong khi đó, máy ep nhiệt hơi tác dụng một lực mạnh một cách chớp nhoáng, điều này nếu không cẩn thận có thể gây ra một số lỗi cơ bản như chệch giấy hoặc gập vải làm hư hỏng sản phẩm.
Máy ép khổ lớn thường dùng 2 mâm để tiện lợi trong quá trình in áo. Trong thời gian ép áo ở mâm số 1, chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị sẵn bán thành phẩm ở mâm số 2.
Máy ép chuyển nhiệt 3D đa năng: Máy ép chuyển nhiệt 3D sử dụng ép ly sứ, chén, đĩa, ốp lưng điện thoại, móc khóa… Máy ép đa năng giống như một lò hấp nhiệt vậy. Nó cho phép ép nhiều sản phẩm với hình dạng, kích thước khác nhau cùng một lúc.
Ngoài ra, các bạn cũng tham khảo thêm về một số loại máy đơn khác (tương tự với máy ép ly đơn ở trên) phục vụ cho các dòng sản phẩm khác nhau.
10. Cài Đặt Nhiệt Độ Và Thời Gian Máy Ép Nhiệt
Đơn vị nhiệt độ sử dụng trong công nghệ in chuyển nhiệt thường là đơn vị Fahrenheit (độ F).
Nhiệt độ ép áo: Nhiệt độ ép áo thông thường ở mức 240 độ F, tương đương khoảng 115 độ C.
Thời gian ép áo: Thời gian ép áo giao động trong khoảng 15-30 giây tùy thuộc vào lực ép và máy ép. Thông thương máy ép khổ nhỏ có thời gian ép áo khoản 15 giây. Trong khi đó, máy ép khổ lớn, in 3D toàn thân, thời gian tốt nhất nằm trong khoảng 25-30 giây.
Nhiệt độ ép ly: Chúng ta thường ép ly ở mức 360 độ F, tương đương với khoảng hơn 180 độ C
Thời gian ép ly: Thời gian ép ly nằm vào khoảng 2 phút cho đến 2 phút 40 giây. Nó tùy thuộc vào dòng máy, nội dung in ấn và cả lực ép (có thể nới lỏng hoặc vặn chặt nút lực để thay đổi lực ép)
11. Chất Liệu Vải In Chuyển Nhiệt
Thứ nhất: In chuyển nhiệt chỉ phù hợp với dòng chất liệu vải thun polyester. Một tỷ lệ cotton lớn trong vải, mang lại cảm giác mát mẻ nhờ thấm rút mồ hôi tốt lại là điều tối kỵ đối với in chuyển nhiệt. Vải thun cotton hay vải thun cá sấu chất cotton không bắt màu, hoặc bắt màu ở mức độ rất thấp, có khả năng trôi mực nhanh hơn rất nhiều so với vải thun polyester.
Thứ hai: In chuyển nhiệt (trực tiếp) chỉ dùng trên các dòng vải sáng màu, trong đó chủ yếu sử dụng chất liệu vải Trắng.
Vì sao lại như vậy? Chúng ta cần tìm hiểu sâu về bản chất của nó:
- Lớp mực in trên giấy thuốc (giấy in chuyển nhiệt - được mô tả chi tiết ở phần 8) chỉ là một lớp mực cực kỳ mỏng, và bản chất chúng cũng chỉ là một lớp mực nước.
- Nguyên lý về màu sắc: Khi pha trộn 2 tông màu với nhau theo cùng một tỷ lệ, tông màu đậm luôn lấn át tông màu lợt. Điều này có nghĩa tông màu đậm luôn mạnh hơn tông màu lợt.
- Khi ép chuyển nhiệt lên vải màu đậm, các nội dung in đều thấm vào trong vải, đồng thời các tông màu quá yếu để thắng được màu sắc tông màu đậm.
Từ 03 phân tích trên, chúng ta có thể hiểu một cách rõ ràng rằng: Khi in ép chuyển trực tiếp từ giấy lên vải tối màu, kết quả mà chúng ta nhận được sẽ là một lớp hình mờ mờ (hoặc không thấy gì cả).
Chúng ta cũng nên tìm hiểu khái lược về vải thun polyester. Thực chất chúng tôi đã đề cập trong bài viết về chất liệu vải. Mời các bạn tham khảo!
12. Thiết Kế File In Chuyển Nhiệt
Phần mềm thiết kế: Khi thiết kế file in chuyển nhiệt, chúng ta thường sử dụng 03 phần mềm cơ bản sau:
#1: Phần mềm Photoshop: tên đầy đủ là Adobe Photoshop - là một phần mềm chỉnh sửa đồ họa được phát triển và phát hành bởi hãng Adobe Systems. Photoshop được biết đến là phần mềm chỉnh sửa ảnh bitmap số 1 thế giới.
#2: Phần mềm AI: Chính là gọi tắt của phần mềm Adobe Illustrator - là trình chỉnh sửa đồ họa vector được phát triển và tiếp thị bởi Adobe Inc. AI là phần mềm đồ họa vector sử dụng phổ biến nhất thế giới. Đây cũng là phần mềm thiết kế file in chuyển nhiệt tốt nhất.
#3: Phần mềm Corel: hay CorelDRAW - là một phần mềm biên tập đồ họa vector được phát triển và tiếp thị bởi Corel Corporation, Canada. Corel là phần mềm được giới in ấn sử dụng nhiều nhất vì dễ dàng thao tác và cài đặt nhẹ nhàng.
Hệ màu sử dụng: Chúng ta chủ yếu sử dụng 2 hệ màu cơ bản nhất là CMYK và RGB. Trong đó, khi thiết kế, chúng ta thường sử dụng hệ màu RGB để có màu sắc tương thích với máy tính, di động. Trong quá trình in ấn, chúng ta chuyển về dạng CMYK để dễ dàng tương thích với máy in.
>>> CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT: Phân biệt hình in 2D và 3D có gì khác nhau
Kích thước file in chuyển nhiệt: Chúng ta cần thiết kế đúng kích thước với khổ giấy in thực tế:
- Khổ A0 : 841 x 1189 mm
- Khổ A1 : 594 x 841 mm
- Khổ A2 : 420 x 594 mm
- Khổ A3 : 297 x 420 mm
- Khổ A4 : 210 x 297 mm
- Khổ A5 : 148 x 210 mm
Độ phân giải cần thiết: Với những hình ảnh in ấn quà tặng, các bạn nên thiết kế hình sắc nét hơn, tối thiểu 300 pixels / inch. Thực tế tại cơ sở sản xuất, chúng tôi áp dụng 508 pixels / inch (tương đương: 200 pixels / cm). Nếu in áo khổ dưới A3, các bạn cũng nên áp dụng độ phân giải trên để có được hình ảnh tốt nhất.
Đối với các file có kích thước lớn dùng để in chuyển nhiệt full khổ rộng (in áo toàn thân), độ phân giải cao đôi lúc khiến bạn gặp khó khăn trong việc lưu trữ cũng như xuất file in. Tuy vậy, 150 pixels / inch là một thông số tối thiểu để bạn có được sản phẩm như kỳ vọng.
13. Một Số Lỗi Gặp Phải Khi In Chuyển Nhiệt
Đây đều là những kiến thức thực tế mà chúng tôi đúc kết được trong quá trình thực hiện các đơn hàng in chuyển nhiệt tại xưởng in áo đồng phục BICI.
#1: Lỗi bóng đổ 3D
Mô tả lỗi: Lỗi này được mô tả như việc bạn in một vật thể và thực tế xuất hiện thêm một bóng mờ bên cạnh vật thể đó. Điều này gây cảm giác rất khó chịu, làm cho sản phẩm không còn đúng như mẫu thiết kế trước đó.
Nguyên nhân: Nguyên nhân của lỗi bóng đổ 3D (bóng mờ) có thể do những nguyên nhân chính sau:
- Bản thân file gốc của bạn (khi in ra) đã bị 3D, do máy in đang bị tè đầu phun hoặc phần cơ của máy lỗi, kéo giấy không đều.
- Quá trình ép nhiệt của bạn diễn ra không đúng, khiến giấy in bị xê dịch
- Khi thời gian ép đã hết, bạn gỡ máy ép không cẩn thận, khiến giấy bị xê dịch, lúc này mực vẫn còn một ít trên giấy, cộng thêm nhiệt độ đang cao, điều này khiến phần mực ít ỏi đó chuyển lên sản phẩm, tạo ra bóng mờ.
- Giấy in chuyển nhiệt quá mỏng, khiến phần mực thấm ngược lên mâm nhiệt, sau đó lại chuyển ngược lên sản phẩm trong các lần ép kế tiếp.
Cách khắc phục: Bạn khắc phục dễ dàng với những cách xử lý được gợi ý sau:
Kiểm tra lại file in, kiểm tra lại máy in xem có phải lỗi do file gốc ngay khi mới in ra hay không. Nếu có, hãy chỉnh file in hoặc làm sạch máy in.
Khi ép nhiệt, bạn phải cẩn thận, ép từ từ nhưng dứt khoát để giấy không phải xê dịch nữa
Khi gỡ máy ra cũng tương tự, bạn cẩn thận để không làm văng giấy. Nếu giấy lỡ văng, bạn nhặt một cách nhanh nhất có thể.
Trong một số trường hợp bạn nên thử dùng một lớp giấy trắng hoặc một lớp vải trắng phủ lên trên cùng xem có thay đổi được gì không nhé.
#2: Lỗi thâm kim trong in chuyển nhiệt
Mô tả lỗi: Lỗi thâm kim là lỗi thường rất hay gặp phải trong in chuyển nhiệt. Trong nhiều trường hợp, đó là lỗi mặc định mà bạn không dễ dàng khắc phục nó. Đó là hiện tượng có nhiều chấm đen li ti xuất hiện trên bề mặt vải, sau khi bạn in chuyển nhiệt.
Nguyên nhân: Nguyên nhân được phát hiện có thể do một trong số 04 trường hợp sau đây:
- Thứ nhất: Do nhiệt độ quá cao - Điều này dẫn đến vải bị biến dạng, thay đổi kết cấu, dẫn đến việc xuất hiện những đốm nhỏ màu xám đen như thể vải bị cháy.
- Thứ hai: Do thời gian ép quá lâu: Thời gian ép quá lâu cũng dẫn đến trường hợp tương tự, vải cũng bị biến dạng và tọa chấm li ti như trên.
- Thứ ba: Do bảo quản vải không tốt. Trường hợp này, vải thun sẽ bị ẩm ướt hoặc bị bám bụi bẩn. Thật sự dễ hiểu khi chất liệu vải trong tình huống này bị nổi đốm khi cho qua nhiệt.
- Thứ tư: Do chất vải. Ngay từ khi nhập vải về, loại vải đã không đáp ứng các tiêu chuẩn để in chuyển nhiệt.
Cách khắc phục: Trong in chuyển nhiệt, lỗi thâm kim là lỗi nan giải nhất, nó vô cùng khó khăn trong việc khắc phục hoàn toàn. Tuy vậy, chúng ta có thể cải thiện tình hình với một số gợi ý hữu ích sau:
- Bạn thử điều chỉnh nhiệt độ và (hoặc) thời gian xuống dưới một vài đơn vị. Bạn nên gập máy 5 đến 7 lần để nhiệt độ được tỏa đều trước khi in hàng chính thức.
- Bạn kiểm tra lại việc bảo quản vải đã tốt hay chưa
- Bạn có thể dùng 1 lớp giấy hoặc lớp vải trắng, hoặc miếng chống dính phủ lên trên cùng
- Bạn nên tìm thêm các giải pháp khác về vải: Thay đổi loại vải, nhà cung cấp.
#3: Lỗi hình in nhớp
Đây là lỗi nhỏ mà bạn hoàn toàn có thể khắc phục chúng. Cụ thể trong những trường hợp sau:
File thiết kế có vấn đề, đôi khi chúng ta không để ý rằng file thiết kế có một số nội dung nhỏ hoặc nhạt mà trên máy tính không hiển thị rõ ràng, nó chỉ xuất hiện khi chúng ta in ra hoặc ép lên sản phẩm. Hãy kiểm tra lại một cách cẩn trọng hơn.
• Kiểm tra xem nếu hình in nhớp do file in ban đầu đã nhớp thì nguyên nhân do giấy in bảo quản không tốt dẫn đến vênh 2 đầu mép hoặc do máy in bị hỏng hoặc nhớp đầu phun.
• Bạn nên cắt tất cả viền của giấy đi trước khi thực hiện công đoạn ép. Có một trường hợp khá phổ biến, 4 cạnh của tờ giấy có thể đã bị dính một lượng mực nhỏ khi đầu phun quét qua quét về. Lượng mực này không đủ để chúng ta dễ dàng phát hiện. Tuy vậy, nó sẽ trở thành những đường sọc xấu xí khi ép nhiệt lên sản phẩm chính thức.
#4: Lỗi hình in bị ngược trong in chuyển nhiệt
Trong in chuyển nhiệt, một thực tế mà nếu bạn chưa bao giờ làm trong ngành thì đôi lúc không hình dung ra được. Đó là, tất cả những file in ra để ép nhiệt đều phải ngược lại so với hình ảnh muốn in. Điều này cũng hoàn toàn dễ giải thích, vì khi ta ép hình nào đó lên vật khác, khi gỡ ra, hình ảnh trên vật đó phải ngược lại với hình ban đầu, bởi khi tiếp xúc, chúng đối đầu lại với nhau. Đây là lỗi chủ quan của chúng ta, bạn nên lật ngược trước nội dung in hoặc cài máy in chuyển nhiệt ở chế độ mirror (gương soi - có nghĩa là lật ngược).
Bạn có thể lên mạng tìm kiếm bài viết về in chế độ mirror cho từng dòng máy khác nhau nhé!
#5: Hình in bị rổ
Đó là một câu chuyện hài hiếm gặp. Tuy vậy, chúng tôi đã gặp phải nó và kể lại câu chuyện này cho bạn biết. Câu chuyện mang tên giấy thuốc.
Thực tế giấy thuốc đã được chúng ta miêu tả ở trên trong phần 8. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhắc lại một ý. Một tờ giấy thuốc (giấy in chuyển nhiệt) thông thường có 2 mặt. Một mặt có phủ keo trơn bóng, mặt kia rổ hơn. Nếu không để ý, bạn rất dễ nhầm lẫn, điều này sẽ khiến nội dung in của bạn in trên mặt trái. Kết quả là hình in bị rổ. Bạn hãy cẩn trọng, có thể dùng ánh sáng đèn điện, để nghiên tờ giấy để kiểm chứng
14. Ép Chuyển Nhiệt Giấy Decal
Giấy decal là gì?
Giấy decal là một loại giấy có cấu tạo gồm hai lớp chính; trong đó, lớp giấy trên cùng có thể dùng để in ấn và lớp keo dưới cùng có thể giúp kết dính với một vật liệu khác thông qua lực ép và nhiệt độ. Giấy decal được dùng phổ biến trong ngành in ấn, trong đó có thể kế đến một số sản phẩm tiêu biểu như: tem mạc sản phẩm, logo lá cờ dán mặt, logo, chữ dán xe, mũ bảo hiểm...
Tuy nhiên, decal cũng có rất nhiều dòng khác nhau, phụ vụ cho những mục đích khác nhau với tính chất đặc thù riêng của mỗi dòng.
- Dòng decal thường chỉ cho phép dán lên những bề mặt nhẵn bóng, nó không có khả năng dán lên những vật liệu khác như vải. Cùng với đó, độ bền của decal này cũng ở mức độ vừa phải. Dòng decal thường không cần đến nhiệt độ, chúng ta chỉ cần in nội dung và lột dán lên vật thể mà chúng ta mong muốn.
- Decal ép nhiệt là dòng decal sử dụng nhiệt độ và lực ép cao để kết dính bền vững trên các dòng vật liệu khác nhau. Nhờ nhiệt độ và áp suất cao, loại hình decal ép nhiệt có thể có độ bền tốt hơn rất nhiều so với dòng decal thông thường, trong đó, decal ép nhiệt có thể đáp ứng được việc ép chuyển lên các dòng vật liệu rất khó như vải thun.
- Decal phản quang là một vật liệu thuộc dòng decal ép nhiệt, nó có thể phản chiếu ánh sáng tốt, tạo nên hiệu ứng lấp lánh cho các nội dung in ép chuyển. Dòng decal này đã tạo nên cơn sốt thị trường áo đồng phục khi đồng hành cùng dòng sản phẩm áo phản quang đầy mê hoặc trong thời gian qua.
Cắt decal bằng tay hay dùng máy?
Trong những trường hợp logo đơn giản, có hình khối rõ ràng, số lượng sản phẩm không nhiều, bạn hoàn toàn có thể cắt thủ công mà không cần đến máy cắt. Trong nhiều trường hợp, cắt tay đôi khi còn nhanh hơn cắt máy. Tuy vậy, cắt máy vẫn là phương án tốt nhất khi bạn đang muốn tiến xa hơn dựa vào công nghệ.
Máy cắt decal giúp công suất tăng cao hơn rất nhiều. Nếu bạn muốn hoạt động một cách chuyên nghiệp, bạn nên đầu tư ngay một con máy cắt decal cho công việc của mình.
- Máy Cắt Bế Decal ART: Đây là dòng máy cắt decal có hỗ trợ kích thước giấy A4, A3. Dòng máy mini này thuận tiện hơn rất nhiều cho các bạn sử dụng với công suất không quá cao. Nó giúp tiết kiệm tối đa diện tích mặt bằng sử dụng.
- Máy cắt decal Refine: Dòng máy này có chi phí đầu tư ban đầu khá thấp, chỉ từ 8 triệu đến 10 triệu.
- Máy Cắt Decal Hobby: là dòng máy cắt decal chất lượng được sản xuất tại Đức. Máy có khả năng cắt bế có độ chính xác cao; thao tác rất đơn giản, dễ dàng sử dụng; mức đầu tư trung bình từ 14 triệu đến 16 triệu.
- Máy cắt decal Mimaki: Đây là một dòng máy được chúng tôi khuyến nghị. Máy hoạt động ổn định, giá máy nằm trong khoảng hơn 20 triệu cho đến không quá 40 triệu, bạn đã có thể sở hữu một con máy tuyệt vời.
15. Ứng Dụng Ép Chuyển Nhiệt Trong Sản Xuất Đồ Thể Thao
Để sản xuất hàng thể thao bằng công nghệ in chuyển nhiệt hoặc ép chuyển nhiệt các bạn cần chuẩn bị những máy móc - thiết bị sau đây:
Đối với hàng thể thao in Tên - Số thông thường
Bạn có thể in chuyển trực tiếp từ giấy in chuyển nhiệt sang áo thun có vải sáng màu, trong các trường hợp vải tối màu có thể dùng decal để ép chuyển lên sản phẩm.
- Máy in khổ A3: Như đồng phục BICI đã đề cập ở trên, máy in khổ A3 các bạn có thể sử dụng các dòng máy của Epson như 1390 hoặc L1800. Đây đều là những dòng máy hoạt động tương đối ổn định. Máy in khổ A3 đủ để các bạn in Tên - Số và một số logo cơ bản. Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể sử dụng thêm một con máy A4 cho các trường hợp nhất định. Máy A4 in tên số thì khá nhỏ, không phù hợp, tuy vậy, nó hoạt động ổn định hơn dòng máy A3. Vì vậy bạn có thể dùng in số ở quần hoặc in logo nếu muốn.
- Giấy thuốc như đã mô tả ở phần 8. Bạn cần mua cả 2 khổ A4 và A3 để tiện sử dụng cho các trường hợp khác nhau nhé.
- Giấy decal in chuyển nhiệt và Máy cắt decal cũng đã được giới thiệu ở phần 14.
- Máy ép nhiệt các bạn có thể dùng loại máy khổ nhỏ như đề cập ở phần 9. Với việc in Tên - Số, bạn nên mua dòng máy ép nhiệt khổ 38 cm x 38 cm.
- Bạn cần thêm một máy tính để kết nối với máy in cũng như máy cắt nhé.
- Bạn cần liên hệ với nhà cung cấp áo quần thể thao may sẵn để có nguồn hàng ổn định.
- Ở loại hình này, bạn cũng có thể tự đầu tư dây chuyền may mặc và duy trì tầm 15 màu vải khác nhau ở các tông cơ bản. Những nếu nhu cầu thị trường ở khu vực của bạn không quá cao. Chúng tôi không khuyến khích bạn tự sản xuất phôi áo thay vào đó hãy tìm kiếm vài đơn vị hợp tác bền vững.
Đối với hàng thể thao in chuyển nhiệt toàn thân - 3D
Nếu bạn đã quyết định đi theo dòng áo quần thể thao này, mức đầu tư phải xác định từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng (chưa các chi phí về nhà xưởng, chi phí khác) cùng với một số rủi ro nhất định. Cụ thể như sau:
Ngoài những máy móc, thiết bị đã được nêu ở trên tốn khoảng 50 triệu đồng, bạn phải đầu tư thêm máy in khổ rộng. Dòng máy này tùy thuộc vào chủng loại và kích thước mà có giá thành từ 100 triệu đồng cho đến hàng vài trăm.
Bạn cần đầu tư một hệ thống máy ép nhiệt khổ rộng với chi phí tối thiểu 50 triệu cho đến 80 triệu.
Bạn cần duy trì một lượng tồn kho về vải, vì in chuyển nhiệt khổ rộng không in được trên áo thành phẩm. Chúng ta phải in bán thành phẩm trước khi ráp chúng lại với nhau.
Bạn phải đầu tư hệ thống may hoặc outsource phần này. Điều này là chắc chắn, nếu thiếu công đoạn may, bạn không thể thực hiện hoạt động sản xuất áo quần thể thao in 3D toàn thân được.
Lưu ý: Bạn cần đọc lại quy trình 07 bước ở phần 3. Nếu in khổ rộng, bạn cần bổ sung thêm một bước nữa giữa bước 6 và bước 7: Đó là công đoạn may. Bạn cần có một nguồn cấp điện riêng biệt cho các dòng máy ép để đề phòng các vấn đề về chập điện nhé! Tốt nhất hãy dành cho mỗi máy nhiệt một Aptomat. Đối với máy ép khổ lớn, Chúng tôi khuyên bạn nên đầu tư thêm một ổn áp điện và kéo điện bằng loại dây điện điện lực (dây đen to).
Cách in logo dán chuyển nhiệt
Logo dán chuyển nhiệt được hiểu là một logo in hình theo yêu cầu, có lớp keo dính để là ủi hoặc ép lên áo. Có rất nhiều bạn muốn tìm hiểu công nghệ in này.
Tất cả những gì bạn cần chuẩn bị như sau:
#1: File giấy in chuyển nhiệt (giấy thuốc in hình logo theo yêu cầu bằng máy in chuyển nhiệt)
#2: Vải trắng dòng polyester được cắt theo khổ giấy ở trên
#3: Keo in chuyển nhiệt đã được cắt nhỏ hơn khổ giấy trên 1 cm (nếu to hơn, keo sẽ dình vào máy ép)
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Bật máy ép chuyển nhiệt với nhiệt độ 240 độ F cài đặt thời gian 15 giây. Chờ nhiệt độ ổn định.
Bước 2: Đặt lớp keo in chuyển nhiệt lên mâm dưới của máy ép. Lớp keo chuyển này có hai phần: phần keo và phần chống dính. Hãy đặt phần chống dính xuống phía dưới để tránh bị dính keo vào máy.
Bước 3: Đặt lớp vải trắng lên trên lớp keo.
Bước 4: Đặt lớp giấy in chuyển nhiệt với nội dung in úp xuống bên dưới.
Bước 5: Gập máy ép và chờ trong vòng 15 giây
Bước 6: Mở máy ép, gỡ lớp giấy in chuyển và nhận kết quả.
Bước 7: Cắt bế nội dung logo theo cách của bạn để hoàn chỉnh sản phẩm.
Trên đây là toàn bộ phần chia sẻ kiến thức về công nghệ in chuyển nhiệt mà chúng tôi muốn gửi đến các bạn! Chúng tôi có thể cập nhật thêm kiến thức trong tương lai, có có thể xem lại hoặc tìm hiểu thêm các bài viết khác trong mục Kinh nghiệm tại đồng phục BICI.
Big size là gì? Tất tần tật về thời trang big size
- (05 Tháng Năm, 2024)TOP 5 cách xử lý nến dính vào quần áo đơn giản hiệu quả
- (05 Tháng Năm, 2024)Vải tafta là gì? Sự lựa chọn hoàn hảo cho phong cách quý phái
- (05 Tháng Năm, 2024)Mix and match là gì? Bí quyết giúp bạn tỏa sáng bất cứ đâu
- (05 Tháng Năm, 2024)TOP 5 lí do mặc áo thun đồng phục khi đi làm mùa hè
- (04 Tháng Năm, 2024)